Tại sao lúa thường bị ngộ độc hữu cơ trong vụ mùa

Sorry, this entry is only available in Vietnamese. For the sake of viewer convenience, the content is shown below in the alternative language. You may click the link to switch the active language.

Rơm rạ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa?

GS TS Nguyễn Bảo Vệ

Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa NN & SHUD, Trường Đại Học Cần Thơ

”          Hiện nay, nhiều nơi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long bà con nông dân đang phải đối mặt với tình trạng lúa bị vàng lá, ít nhảy chồi, thấp cây, kém phát triển mà nguyên nhân là do mưa không xử lý rơm rạ trước khi làm đất. Rơm rạ là nguồn cung cấp chất hữu cơ quan trọng cho đất lúa. Hàng năm, mỗi hecta đất lúa cao sản ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đã cho ra một lượng rơm rạ rất lớn, từ 14 đến 18 tấn (trung bình mỗi tấn lúa có 1 tấn rơm rạ). Nếu biết cách sử dụng tốt, phụ phẩm nầy sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhà nông và cho đất. Tuy nhiên, nếu xử lý rơm rạ không đúng có thể gây ngộc độc hữu cơ cho cây lúa. Thí nghiệm đồng ruộng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long cho thấy, làm đất vùi 6 tấn rơm rạ/ha trong điều kiện ngập nước rồi gieo lúa ngay đã làm giảm năng suất lúa khoảng 15% do lúa bị ngộ độc hữu cơ.

1. Tại sao rơm rạ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa?
Để làm cơ sở cho những biện pháp ngăn chận hay hóa giải ngộ độc hữu cơ cho cây lúa, cần phải tìm hiểu trong trường hợp nào rơm rạ gây ra ngộ độc hữu cơ. Rơm rạ là chất hữu cơ, nếu cày vùi vào đất sẽ được tập đoàn vi sinh vật trong đất như vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn phân hủy. Tùy theo độ thông thoáng của đất mà sản phẩm cuối cùng trong tiến trình phân hủy nầy cũng khác nhau:
–          Ở đất không ngập nước, oxy trong không khí có thể đi vào trong đất đủ cho tập đoàn vi sinh vật háo khí (là vi sinh vật sống phải có oxy) phát triển để phân hủy rơm rạ. Sản phẩm cuối cùng của tiến trình phân hủy nầy là chất CO2, NO3, SO42-, nước và những chất mùn. CO2 là chất khí sẽ thoát ra khỏi đất và không làm hại rễ cây, còn NO3 và SO42- là dưỡng chất được cây hấp thụ. Vì vậy, rơm rạ phân hủy ở đất không ngập nước sẽ không tạo ra độc chất gây hại rễ của  cây trồng.
–          Còn ở đất ngập nước, oxy trong không khí không thể đi vào trong đất, nên tập đoàn vi sinh vật kỵ khí (là vi sinh vật sống không cần oxy) phát triển để phân hủy rơm rạ. Sản phẩm cuối cùng trong tiến trình phân hủy nầy là CH4, CO2, H2, H2S, NH3, acid hữu cơ, R-NH2, RSH và những chất mùn. H2S và acid hữu cơ là những chất gây độc cho bộ rễ lúa. Đặc biệt ở đất phèn, chôn vùi rơm rạ vào đất trong tình trạng ngập nước sẽ làm gia tăng ngộ độc sắt Fe2+ ở cây lúa. Như vậy, chôn vùi rơm rạ vào đất ngập nước sẽ tạo ra nhiều loại độc chất gây hại cho rễ lúa, nhất là trong khoảng 3-4 tuần đầu sau khi làm đất.
2. Triệu chứng cây lúa bị ngộ độc hữu cơ và sắt :
Để nhận diện triệu chứng ngộ độc của lúa cần phải quan sát kỹ qua màu sắc của lá, sự sinh trưởng của cây, hình dạng và màu sắc của rễ và tính chất của đất.
–          Khi cây lúa bị ngộ độc hữu cơ và H2S: Lá già bị vàng, lá non bị vàng phần thịt lá. Cây lùn, nhảy chồi kém. Rễ màu nâu đen đến đen, có mùi hôi, chết nhiều, mất khả năng oxy hóa nên dễ bị ngộ độc sắt Fe2+. Lúa hấp thụ dinh dưỡng kém, mất cân đối nên dễ nhiễm bệnh như bệnh đốm nâu. Năng suất lúa giảm. Ngộ độc hữu cơ thường thấy ở đất trủng thấp, ngập nước, nhiều sét, ít thấm rút và có cày vùi nhiều rơm rạ.
–          Khi cây lúa bị ngộ độc sắt thì triệu chứng trên lá đôi khi tương tự như ngộ độc hữu cơ, nhưng thường thì lá có màu nâu tím hoặc vàng cam. Cây sinh trưởng chậm, nhảy chồi kém. Rễ ít, ngắn, thô có màu nâu hoặc đỏ. Lúa lép nhiều, năng suất giảm. Ngộ độc sắt thường thấy ở đất phèn, trong khoảng 2-3 tuần đầu sau khi làm đất, nhất là khi có cày vùi nhiều rơm rạ.
3. Biện pháp khắc phục :Không nên để cho cây lúa bị ngộ độc hữu cơ và sắt rồi mới trị, mà cần có biện pháp phòng tránh.
Biện pháp phòng trị ngộ độc hữu cơ được tiến hành như sau:
–          Sau khi thu họach lúa nên cày ải, để rơm rạ được phân hủy ít nhất 1 tháng, và chỉ sạ lúa sau khi cho đất ngập từ 2 đến 3 tuần.
–          Trong trường hợp không cày ải được vì phải gieo sạ lại ngay sau khi thu hoạch, phải cắt gốc rạ (dùng máy cắt gốc rạ) và di chuyển hết rơm và gốc rạ ra khỏi ruộng trước khi làm đất. Rơm rạ nầy có thể dùng để trồng nấm rơm hay ủ mục (chủng thêm nấm Trichoderma sp. cho mau mục) làm phân hữu cơ bón lại cho đất.
–          Nếu không cắt được gốc rạ để di chuyển ra khỏi ruộng, phải áp dụng biện pháp rút nước ra khỏi ruộng ở thời điểm 15 và 30 ngày sau khi sạ. Nước được rút khô kiệt ít nhất 5 ngày (mực thủy cấp cách mặt đất 10-15 cm), đến khi mặt ruộng nứt chân chim 2-3 mm thì vô nước lại, bón phân. Bón thêm phân vôi, phân lân và kali để tăng khả năng chống chịu của cây lúa
–          Chọn giống chống chịu tốt với điều kiện đất phèn và nhiều hữu cơ.
z730829390830_b72545e1bc4eaea607f48c43c1aad30ez730829469991_2f45d5431cdfaab7a34bac430830cb37
Rễ lúa bị ngộ độ hữu cơ và sắt