Giống lúa thuần ADI 168

Mô tả chi tiết

  1. Nguồn gốc: Là giống lúa thuần chất lượng, được Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI chọn lọc từ quần thể nguồn gen lúa thuần nhập nội.

Giống ADI 168 được công nhận giống quốc gia vào tháng 6 năm 2018.

  1. Đặc điểm giống:

– Thuộc nhóm lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng 125 – 130 ngày trong vụ Xuân và 105 – 110 ngày vụ Mùa ở các tỉnh phía Bắc; 100 – 125 ngày trong vụ Đông Xuân và 95 – 100 ngày trong vụ Hè Thu ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ.

– Sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, kiểu hình đẹp, độ thuần đồng ruộng tốt, trỗ thoát cổ bông, cứng cây, chiều cao trung bình 105 – 120 cm;

– Bông to, dài trung bình 25 – 27 cm, khoảng 190 – 210 hạt/ bông. Hạt thon dài, mỏ hơi cong, hạt màu vàng sáng, khối lượng 1000 hạt 21 – 22 g. Năng suất trung bình đạt 70 – 75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 – 85 tạ/ha;

– Khả năng chịu rét, chống đổ khá tốt; chống chịu khá một số sâu bệnh hại chính (đạo ôn, bạc lá, khô vằn..). Thích hợp trên chân đất vàn, vàn cao, vàn trũng, phổ thích ứng rộng. Thích hợp trong cơ cấu vụ Xuân và vụ Mùa tại các tỉnh phía Bắc;

– Giống lúa ADI 168 thuộc nhóm có chất lượng gạo khá, hạt gạo thon dài, trắng trong, tỷ lệ gạo xay xát khá cao, chất lượng cơm nấu mềm dẻo và có mùi thơm nhẹ.

  1. Hướng dẫn kỹ thuật canh tác giống lúa ADI 168

3.1. Thời vụ:

Theo lịch thời vụ địa phương áp dụng với nhóm giống lúa ngắn ngày, ngoài ra có thể tham khảo lịch thời vụ như sau:

  • Vụ Xuân: vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc: gieo mạ nền, dày xúc hoặc mạ dược từ 25/01-10/02 (quanh tiết Lập Xuân), cấy trong tháng 2, tuổi mạ cấy là 3,0-3,5 lá, nếu gieo mạ dược tuổi mạ cấy là 4,0-4,5 lá. Gieo sạ tập trung từ 10-20/2. Vùng Bắc Trung bộ: Gieo mạ dược từ 2-30/01. Gieo sạ từ 30/01-10/2.
  • Vụ Hè Thu: vùng Bắc Trung bộ. Vùng Hè Thu chạy lụt: gieo cấy cuối tháng 25/5-05/6. Vùng Hè Thu thâm canh: gieo cấy từ 05/6-10/6. Tuổi mạ cấy từ 12-15 ngày.
  • Vụ Mùa: vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc: Mùa cực sớm, mùa sớm: gieo từ 5/6-15/6; cấy giữa và cuối tháng 6. Mùa trung: gieo mạ 20/6-25/6; gieo cấy xong trước 20/7. Mùa muộn: gieo mạ 05/6-5/7. Vùng Bắc Trung bộ: Mùa sớm: gieo cấy từ 10-15/6; Mùa chính vụ: kết thúc cấy trong tháng 7. Tuổi mạ cấy từ 12-15 ngày.

3.2. Lượng giống:

Lượng giống: gieo cấy 40 – 50 kg/ ha, gieo sạ 40 – 60 kg/ ha. Mật độ cấy: 40 – 45 khóm/ m2, 2-3 dảnh/khóm, cấy nông tay. Có thể sạ tay, sạ máy, ….

3.3. Phân bón và kỹ thuật bón phân:

Lúa gieo cấy cho 1ha: (vụ Xuân) 500 kg phân hữu cơ vi sinh (hoặc 10 tấn phân chuồng) + 220-240 kg đạm Urê + 550 kg Supe lân + 150-160 kg Kali clorua; vụ Mùa (Hè Thu) giảm 10% đạm Urê, tùy điều kiện đất đai mà tăng giảm lượng bón cho phù hợp.

Cách bón gieo cấy:

  • Bón lót: 100% phân hữu cơ vi sinh (hoặc phân chuồng) + 100% Supe lân + 50% đạm Urê + 30 % Kali clorua.
  • Bón thúc lần 1 khi lúa bén rễ: 40% đạm Urê + 40% Kali clorua.
  • Bón thúc lần 2 trước khi lúa trỗ khoảng 20 ngày: 10% đạm Urê + 30% Kali clorua.

Lúa gieo sạ: bón phân như đối với lúa cấy (riêng lượng đạm giảm 7-10%, Kali tăng 10-15% để lúa cứng cây, chống đổ tốt).

Sử dụng phân NPK tổng hợp chuyên dùng, bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

3.4  Chăm sóc:

+ Giữ mực nước sau cấy 3 – 5 cm.

+ Kết thúc đẻ nhánh rút khô nước 7 – 10 ngày sau đó cho nước vào.

+ Giai đoạn trỗ mực nước 5 – 7cm đến trước khi thu hoạch 7 – 10 ngày rút nước phơi ruộng.

3.5. Phòng trừ sâu bệnh:

Thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan Bảo vệ thực vật địa phương.

* Chuột: Gimlet 800SP, Gimlet 0.2GB

* Ốc: Brengun 700WP

* Sâu hại: Bọ trĩ: Motsuper 36WG; Dòi đục lá, Sâu cuốn lá: Danthick 100EC, Sunset 300WG, Oman 2EC; Sâu đục thân: Sunset 300WG; Rầy nâu, rầy lưng trắng: Motsuper 36WG, TD-Chexx 400WP, Chatot 600WG.

* Bệnh hại: Khô vằn: Dacbi 20WP; Đạo ôn: Bankan 600WP, Roshow 460SC, Dacbi 20WP; Lem lép hạt, vàng lá: Athuoctop 480SC; Bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Ychatot 900SP, Kufic 80SL; Thối thân: Ychatot 900SP + Athuoctop 480SC.

  1. Thu hoạch:

Gặt lúa vừa độ chín (chín 85 – 90%), phơi nắng nhẹ, không phơi quá mỏng để đảm bảo chất lượng của giống.