Hưng Yên triển khai nhiều giải pháp quản lý chất lượng nông sản

Hưng Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh tay nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (QLCL NLS&TS) tỉnh Hưng Yên đã chủ động làm tốt vai trò tham mưu, thực thi pháp luật về đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh.

Chi cục QLCL NLS&TS Hưng Yên luôn duy trì đều đặn các tập huấn cho nhà nông. Ảnh: H.Tiến.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục đã phối hợp với Hội Nông dân và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức được 6 lớp phổ biến pháp luật về vệ sinh ATTP cho gần 1.000 lượt hộ dân, chủ yếu là các chủ trang trại và cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, kinh doanh nông sản, các cán bộ chuyên môn ở xã/phường, thị trấn.

Nội dung tập huấn bao gồm: Giới thiệu các văn bản của nhà nước về quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; các quy định về sơ chế, chế biến nông phẩm; kỹ năng tìm kiếm thị trường và kết nối với chuỗi giá trị nông sản trong nước và thế giới,

Bên cạnh mở các lớp tập huấn, Chi cục còn phối hợp với cơ quan báo, đài trung ương và địa phương tuyên truyền các nội dung đã nêu trên các trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, Chi cục cũng triển khai trình diễn hàng chục mô hình VietGAP, VietGAHP trên cây rau, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát đột xuất các chuỗi ngành hàng có nguy cơ mất ATTP cao như sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến và kinh doanh nông sản nhỏ lẻ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm.

Mô hình trồng dưa chuột VietGAP do Chi cục QLCL NLS&TS Hưng Yên trình diễn. Ảnh: H.Tiến.

Chi cục đã tuyên truyền, tập huấn cho nông dân trong tỉnh tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình VietGAP, VietGAHP trên các cây trồng ăn rau, ăn trái và trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cấm lạm dụng chất kháng sinh khi chăn nuôi, chất bảo quản và phụ gia chế biến; không dùng phân tươi, nước phân chuồng tươi chăm bón cho rau màu và cây ăn quả các loại. Cấm sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng ngoài danh mục cho phép trên cây trồng và vật nuôi; không được sử dụng chất tạo màu đã cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Nghiêm cấm sử dụng chất làm chín sớm và chất bảo quản hoa quả; không buôn bán các chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt; không được bơm nước vào gia súc, gia cầm trước khi giết mổ…

Ông Lê Ngọc Thắng, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Hải (Thành phố Hưng Yên) cho biết: Nhờ được Chi cục QLCL NLS&TS tư vấn VietGAHP trong nuôi cá lồng trên sông, HTX đã luôn có được lợi nhuận từ 1 – 1,8 tỷ đồng/năm, kể cả giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành dữ dội nhất.

Bà Trịnh Kim Uyên, Chi Cục trưởng Chi cục QLCL NLS&TS Hưng Yên cho biết: Kế hoạch đến hết năm, Chi cục sẽ tiếp tục tập huấn cho các địa phương; tư vấn, hỗ trợ thực hiện quy trình quản lý chất lượng ATTP và công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản, kết hợp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo thuận lợi chứng nhận xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho các hộ đầu tư vào vùng sản xuất đã được quy hoạch. Rà soát các chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản hiện có và từng bước nâng lên thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế…

Mô hình trình diễn nuôi cá trên sông theo VietGAHP do Chi cục QLCL NLS&TS Hưng Yên tư vấn kỹ thuật. Ảnh: H.Tiến.

Được biết, năm 2021, Chi cục đã tổ chức được 11 lớp tập huấn các nội dung như trên cho trên 1.300 lượt hộ dân, trong đó có hơn 60 công chức xã. Tư vấn, hướng dẫn, chứng nhận, duy trì, mở rộng VietGAP, VietGAHP cho 83 tổ chức, cá nhân với tổng lượng nông sản đạt vệ sinh ATTP là hơn 31.000 tấn rau, quả, thịt, cá và 7,55 triệu quả trứng gia cầm cùng các sản phẩm chế biến từ các loại nông sản trên. Song song đó, Chi cục đã hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu sang thị trường EU được 1,75 tấn nhãn quả và 10 tấn lá dong tươi.

Công tác thanh tra kiểm tra, Chi cục đã phát hiện xử phạt 7 cơ sở vi phạm về quy định về điều kiện đảm bảo ATTP trong chế biến thực phẩm, tổng số tiền xử phạt 82 triệu đồng đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Ngoài ra còn khiển trách, nhắc nhở nhiều hộ kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP và thông báo tới UBND huyện và xã để uốn nắn, xử lý.

“Nếu nông sản vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng vượt ngưỡng cho phép hoặc sử dụng các chất cấm, các chất phụ gia quá liều lượng quy định trong chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế và chế biến nông sản thực phẩm, sẽ gây nhiễm độc cho người tiêu dùng. Đây là hành vi vi phạm phải xử lý trước pháp luật. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm vi phạm phải bị tẩy chay. Có vậy mới giúp môi trường sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm phát triển bền vững và lành mạnh”.

(Bà Trịnh Kim Uyên, Chi Cục trưởng Chi cục QLCL NLS&TS Hưng Yên).

 

Theo Nguyễn Hải Tiến – Báo Nông nghiệp Việt Nam

https://nongnghiep.vn/hung-yen-trien-khai-nhieu-giai-phap-quan-ly-chat-luong-nong-san-d321642.html