Ngô không hạt – nguyên nhân và cách khắc phục

Một số nhà khoa học khẳng định nguyên nhân gây ra ngô không hạt hoàn toàn do yếu tố thời tiết và kỹ thuật canh tác…

Ngô là cây trồng có diện tích lớn thứ hai sau cây lúa và là cây trồng có giá trị kinh tế cao đối với người nông dân. Với diện tích hơn 1 triệu ha ngô trên cả nước, cùng với TBKT trong việc cải tiến hạt giống, áp dụng canh tác giống ngô lai thay giống địa phương đã giúp nông dân cải thiện đáng kể về năng suất.

>> Lại chuyện bắp lai không hạt
>> Lạc không củ, ngô không hạt!
>> Ngô LVN14 nảy mầm kém hay do dân làm đất ẩu?
>> Ngô LVN14 nảy mầm kém

Cây ngô đã cải thiện cuộc sống của người nông dân một cách đáng kể, đặc biệt là các địa phương có diện tích ngô lớn hàng đầu như Sơn La, Đồng Nai, Đăk Lăk…

So với cây lúa, nông dân canh tác ngô gặp ít rủi ro hơn, thời gian chăm sóc cây ngô cũng ít hơn, chi phí cho một ha canh tác ngô không cao bằng lúa. Nhu cầu sử dụng nước tưới của ngô không cao và hơn 80% diện tích canh tác ngô cả nước phụ thuộc vào nước trời. Tuy nhiên, gần đây nông dân cũng gặp một số khó khăn trong canh tác ngô, đặc biệt là hiện tượng ngô không hạt xảy ra tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

Trong khi thời tiết và khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp thì canh tác nông nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn. Bà con nông dân cả nước đang bước vào một vụ trồng ngô mới, để giúp bà con tránh được tình trạng rủi ro trên ngô, chúng tôi xin nêu một số nguyên nhân gây ra hiện tượng ngô không hạt và khuyến cáo bà con áp dụng các biện pháp canh tác nhằm tránh rủi ro.


Biết cách phòng tránh sẽ không bao giờ có hiện tượng bắp không ra hạt

Lâu nay khi xảy ra sự cố ngô không hạt, bà con nông dân thường đổ lỗi là do hạt giống kém chất lượng. Nhưng một số nhà khoa học khẳng định nguyên nhân gây ra hoàn toàn do yếu tố thời tiết và kỹ thuật canh tác chứ không phải do chất lượng hạt giống, cụ thể có những nguyên nhân như sau:

– Trước khi bắp trổ cờ phun râu 2 tuần và trong suốt thời gian trổ cờ nếu gặp nhiệt độ không khí trên 35oC, hoặc ẩm độ không khí dưới 50% hoặc kết hợp cả hai yếu tố trên thì sẽ gây ra chết hạt phấn, ngô không tung phấn và quá trình thụ tinh không xảy ra.

– Mưa nhiều vào thời kỳ tung phấn, làm phấn không tung được đồng thời nhựa ở râu ngô cũng trôi đi dẫn đến kết hạt kém.

– Rét đậm (dưới 15oC) ở thời kỳ trổ cờ và hình thành bắp.

– Do điều kiện đất đai quá chua, quá phèn hoặc mặn kết hợp với chế độ bón phân không hợp lý cũng sẽ dễ dàng dẫn đến hiện tượng ngô không hạt. Dinh dưỡng giữ vai trò chủ lực trong sự thụ phấn, kết hạt, trong đó phân lân giữ vai trò quan trọng. Đất chua phèn, xám bạc màu, đất triền dốc… đều thiếu lân trầm trọng.

Cây bắp thiếu lân lá xuất hiện sọc tím, thân lá chuyển sang đỏ, cây nhỏ, rễ phát triển kém, dẫn đến bắp nhỏ, đầu bắp không hạt, hạt nhỏ, năng suất kém. Nhiều ruộng đất bạc màu, lâu ngày không bón phân hữu cơ hoặc đất lấy từ đào ao nuôi cá (rất nghèo dinh dưỡng), cây bắp phát triển yếu kém, còi cọc, bắp nhỏ và không kết hạt.

– Ngập nước trong giai đoạn trỗ cờ phun râu làm cho phun râu và tung phấn lệch nhau.

– Do sâu bệnh gây hại: Rệp cờ là đối tượng thường làm cho phấn không tung được và ngô kết hạt kém.

Trên đây là một số nguyên nhân dẫn đến ngô kết hạt kém, trong đó nguyên nhân đầu tiên là thời tiết chiếm 90% các trường hợp gây ra ngô không hạt. Tuy nhiên các giống khác nhau thì phản ứng khác nhau với môi trường. Thời kỳ mẫn cảm nhất của cây ngô với ngoại cảnh là thời kỳ tung phấn phun râu, và các giống khác nhau có giai đoạn mẫn cảm với môi trường cũng khác nhau nên khi thể hiện ra triệu chứng cũng khác nhau. Không ai nói được rằng 1 giống nào đó sẽ không bị hiện tượng kết hạt kém và không có giống ngô nào được cho là không có hạt.

Tóm lại, bắp kết hạt không bình thường hoặc không có hạt phần lớn do yếu tố ngoại cảnh và điều kiện canh tác, xảy ra nghiêm trọng ở giai đoạn 2 tuần trước trổ cờ đến thời gian trổ cờ phun râu, nếu biết cách phòng tránh sẽ không bao giờ có hiện tượng bắp không ra hạt.

Bà con nông dân có thể khắc phục hiện tượng này bằng các cách sau:

 

Thời tiết: Để tránh ngô trổ cờ phun râu rơi vào thời điểm nắng nóng xảy ra, bà con nông dân nên lựa chọn thời điểm xuống giống thích hợp. Đặc biệt là vụ ĐX khu vực phía Nam ở các địa phương miền Đông Nam bộ (Đồng Nai, Bà Rịa, Bình Phước) nhiệt độ lên rất cao vào khoảng trung tuần tháng 2 – 3 dương lịch. Bà con nên xuống giống khoảng trước 25/12 dương lịch để tránh nắng nóng trong giai đoạn trổ. Ở miền Bắc thời tiết nắng nóng xảy ra vào khoảng tháng 6 – 7 vì vậy ngô xuống giống vào khoảng tháng 4 – 5 rất dễ xảy ra ngô không hạt.

Nước tưới: Đảm bảo ngô được tưới nước đầy đủ nhất là trong giai đoạn trổ cờ, đặc biệt là trong vụ đông xuân ở Đông Nam bộ.

Tiêu nước: Đảm bảo ruộng ngô được thoát nước tốt nếu gặp mưa lớn hoặc ngập trong giai đoạn 1-2 tuần trước trổ cờ.

Kỹ thuật trồng: Để bắp phát triển mạnh, cho năng suất cao, cần bón phân hữu cơ, bón lót phân lân, bón đầy đủ, cân đối phân N-P-K.

Sâu bệnh: Phòng ngừa sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân tránh để sâu ăn phá râu bắp trước khi thụ phấn, sự thụ phấn khó xảy ra, bắp rất ít hạt. Phòng trừ rầy mềm (rầy nhớt, rệp cờ) chích hút nhựa nuôi cờ, cờ thiếu dinh dưỡng, khó tung phấn, hạt rất thưa thớt. Để ngừa các loại sâu rầy, nên rải thuốc Virtako vào loa kèn giai đoạn cây 7-8 lá và trước trổ cờ.

THS PHẠM HUY THẮNG