Lúa gạo đỏ dinh dưỡng HƯƠNG NHÀI 165

Mô tả chi tiết

NGUỒN GỐC GIỐNG

Hương Nhài 165 là giống lúa dược liệu, năng suất, chất lượng do Công ty TNHH Hạt giống HANA chọn tạo.

ĐẶC TÍNH GIỐNG

– Hương Nhài 165 là giống lúa có hạt gạo lật màu đỏ với hàm lượng các chất protein, chất chống ung thư, oxy hóa anthocyan, omega 3, omega 6, omega 9 cao có lợi cho sức khỏe

– Là giống cảm ôn, gieo cấy được 2 vụ/năm, thích hợp tại nhiều vùng sinh thái và nhiều chân đất: vàn cao, vàn.

– Thời gian sinh trưởng: Vụ Xuân: 126 – 133 ngày; Vụ Mùa: 100 -105 ngày (vùng Trung du miền núi phía Bắc và ĐBSH), 95– 100 ngày vùng Bắc Trung bộ.

– Chiều cao cây từ 120 – 130 cm, đẻ nhánh khỏe, trỗ tập trung.

– Hạt lúa thon dài màu nâu vàng, khối lượng 1000 hạt 23 – 25 gam. Bông lúa to, dài trung bình 25- 26 cm.

– Năng suất trung bình vụ Xuân đạt 66 – 75 tạ/ha, vụ Mùa đạt 52-66 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 tạ/ha.

– Tỷ lệ gạo xay xát khá cao, gạo xát màu hồng nhạt, chất lượng cơm nấu mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng.

– Khả năng chịu rét, chống đổ TB khá; nhiễm nhẹ sâu bệnh hại.

Hạt gạo lật HƯƠNG NHÀI 165 màu đỏ, hàm lượng các chất chống ung thư, oxy hóa anthocyan, omega 3, omega 6, omega 9 cao

có lợi cho sức khỏe

KỸ THUẬT CANH TÁC

  1. Thời vụ: Theo lịch thời vụ địa phương, có thể tham khảo lịch thời vụ như sau:
  • Vụ Xuân: vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc: gieo mạ nền, dày xúc hoặc mạ dược từ 25/01-10/02 (quanh tiết Lập Xuân), cấy trong tháng 2, tuổi mạ cấy là 3,0-3,5 lá, nếu gieo mạ dược tuổi mạ cấy là 4,0-4,5 lá. Gieo sạ tập trung từ 10-20/2. Vùng Bắc Trung bộ: Gieo mạ dược từ 2-30/01. Gieo sạ từ 30/01-10/2.
  • Vụ Hè Thu: vùng Bắc Trung bộ. Vùng Hè Thu chạy lụt: gieo cấy cuối tháng 25/5-05/6. Vùng Hè Thu thâm canh: gieo cấy từ 05/6-10/6. Tuổi mạ cấy từ 12-15 ngày.
  • Vụ Mùa: vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc: Mùa cực sớm, mùa sớm: gieo từ 5/6-15/6; cấy giữa và cuối tháng 6. Mùa trung: gieo mạ 20/6-25/6; gieo cấy xong trước 20/7. Vùng Bắc Trung bộ: Mùa sớm: gieo cấy từ 10-15/6; Mùa chính vụ: kết thúc cấy trong tháng 7. Tuổi mạ cấy từ 12-15 ngày.
  1. Lượng giống và kỹ thuật gieo cấy:

-Lúa cấy: Lượng giống: 40 – 45 kg/ha; Mật độ cấy: 38 – 42 khóm/m2, cấy 1 – 2 dảnh/khóm, cấy nông tay

-Lúa sạ: 40 – 45 kg/ha, sạ tay, sạ hàng,..

  1. Kỹ thuật ngâm ủ giống:

* Bước 1: Trước khi ngâm hạt giống nên phơi lại dưới nắng nhẹ 2-3 giờ.

* Bước 2: Làm sạch, loại bỏ hạt lép, lửng. Thời gian ngâm vụ Xuân 30 – 36 giờ ngâm trong nước ấm khoảng 540C (3 sôi 2 lạnh); vụ Mùa khoảng 24 – 30 giờ. Trong quá trình ngâm cứ 6-8 giờ thay nước, đãi chua 1 lần. Trong vụ Xuân nếu nhiệt độ không khí thấp, kiểm tra nước ngâm bị lạnh thì cho thêm nước ấm.

– Khi thấy hạt thóc đã hút đủ nước (nhìn thấy rõ phôi trắng của hạt thóc) hoặc thóc nứt nanh thì vớt ra, rửa sạch, để ráo nước rồi mang ủ.

* Bước 3: Ủ hạt giống:

Thóc được ủ trong túi vải, túi lưới, thúng thoát nước. Vụ Xuân ủ ấm ngay từ đầu để tạo nhiệt, vụ Mùa ủ nơi thoáng mát, không đọng nước. Thường xuyên kiểm tra thóc, nếu khô hoặc lạnh thì phun thêm nước ấm và đảo đều, nếu nóng thì mở hạ bớt nhiệt, thấy chua, nhớt thì rửa qua nước ấm, để ráo rồi ủ tiếp. Thời gian ủ khoảng 30 – 48 giờ, hạt thóc ra mầm, rễ đều, mầm bằng 1/3 rễ, mầm mới nhú đem gieo là tốt nhất.

  1. Phân bón và kỹ thuật bón phân:

Lúa gieo cấy cho 1ha: (vụ Xuân) 500 kg phân hữu cơ vi sinh (hoặc 10 tấn phân chuồng) + 220-240 kg đạm Urê + 550 kg Supe lân + 150-160 kg Kali clorua; vụ Mùa (Hè Thu) giảm 10% đạm Urê, tùy điều kiện đất đai mà tăng giảm lượng bón cho phù hợp.

Cách bón gieo cấy:

  • Bón lót: 100% phân hữu cơ vi sinh (hoặc phân chuồng) + 100% Supe lân + 50% đạm Urê + 30 % Kali clorua.
  • Bón thúc lần 1 khi lúa bén rễ: 40% đạm Urê + 40% Kali clorua.
  • Bón thúc lần 2 trước khi lúa trỗ khoảng 20 ngày: 10% đạm Urê + 30% Kali clorua.

Lúa gieo sạ: bón phân như đối với lúa cấy (riêng lượng đạm giảm 7-10%, Kali tăng 10-15% để lúa cứng cây, chống đổ tốt).

Sử dụng phân NPK tổng hợp chuyên dùng, bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

  • Giống Hương Nhài 165 cần có chế độ bón phân cân đối nghiêm ngặt, tránh bón quá nhiều đạm, bón không tập trung dẫn tới dễ nhiễm bệnh bạc lá.
  • Bông dài, to, nhiều hạt và tỷ lệ hạt chắc cao
  1. Phòng trừ sâu bệnh:

* Chuột: Gimlet 800SP, Gimlet 0.2GB

* Ốc: Brengun 700WP

* Sâu hại: Bọ trĩ: Motsuper 36WG; Dòi đục lá, Sâu cuốn lá: Danthick 100EC, Sunset 300WG, Oman 2EC; Sâu đục thân: Sunset 300WG; Rầy nâu, rầy lưng trắng: Motsuper 36WG, TD-Chexx 400WP, Chatot 600WG.

* Bệnh hại: Khô vằn: Dacbi 20WP; Đạo ôn: Bankan 600WP, Roshow 460SC, Dacbi 20WP; Lem lép hạt, vàng lá: Athuoctop 480SC; Bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Ychatot 900SP, Kufic 80SL; Thối thân: Ychatot 900SP + Athuoctop 480SC.

  1. Thu hoạch và bảo quản:

– Thu hoạch khi lúa chín được 80-85%. Không nên phơi quá mỏng dưới trời nắng to.

– Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát

– Không nên để lại giống cho vụ sau