Giống lạc ADI 35

Mô tả chi tiết

ĐẶC ĐIỂM GIỐNG

– ADI 35 có nhiều đặc điểm nông học tốt: dạng thân đứng, tán gọn, sinh trưởng khỏe, 5-7 cành cấp 1/cây, chống đổ tốt, màu lá xanh bền đến cuối vụ.

– Thời gian sinh trưởng: tại các tỉnh phía Bắc từ 120-125 ngày (vụ Xuân), 100-110 ngày (vụ Hè Thu và Thu Đông).

– Chiều cao cây 45-55 cm, quả to, đóng tập trung, eo nông, độ đồng đều hạt trung bình, vỏ lụa màu hồng. Số quả chắc/cây dao động từ 20-25 quả, khối lượng 100 quả 190-200 g, khối lượng 100 hạt 75-80 g, tỷ lệ hạt/quả 70-72%, giống có hàm lượng dầu cao đạt 48-50%, hàm lượng Protein từ 25-26%.

ADI 35 trong vụ Thu Đông 2020 tại Diễn Hoa – Diễn Châu – Nghệ An

–  ADI 35 chịu thâm canh, năng suất trung bình 40 – 45 tạ/ha, năng suất cao đạt 50 – 52 tạ/ha.

– Tỷ lệ nhiễm bệnh đốm nâu, đốm đen, gỉ sắt điểm 1-3; bệnh héo xanh vi khuẩn và bệnh thối quả điểm 1. ADI 35 có khả năng chịu hạn và chịu úng tốt (điểm 1-2).

KỸ THUẬT GIEO TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

  1. Thời vụ:

Theo khung thời vụ tốt nhất của địa phương, có thể tham khảo lịch thời vụ sau:

Vùng Vụ Xuân Vụ Hè Thu Vụ Thu Đông
Trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng 10/02-10/03 15/06-30/07 25/08-25/09
Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh 20/01-28/02 01/06-30/06 15/8-15/9
Quảng Bình, Quảng Trị, Huế 01/01-30/01 15/05-25/06 15/7-15/8

      2. Yêu cầu về đất

Đất thích hợp là đất có thành phần cơ giới nhẹ, chủ động tưới tiêu, dễ thoát nước.

     3. Làm đất:

  • Đất phải được bừa nhỏ tơi xốp, san phẳng mặt ruộng và nhặt sạch cỏ dại trước khi rạch hàng.
  • Đảm bảo độ ẩm đất lúc gieo khoảng 75-80% độ ẩm tối đa đồng ruộng.
  • Lên luống, rạch hàng:

+ Đất ruộng dễ bị ngập úng: Chia luống rộng 75 – 80 cm (cả rãnh), luống cao 20 – 25 cm, đảm bảo mặt luống rộng 45 – 50 cm, gieo 2 hàng dọc theo chiều dài luống, hoặc mặt luống 70 – 75 cm + 30 cm rãnh, gieo 3 hàng/luống.

+ Đất ruộng thoát nước tốt: Chia luống rộng 1,3 m (gồm cả rãnh 30 cm), luống cao 10 – 15 cm, rạch 4 hàng dọc theo chiều dài luống, hai hàng rìa cách mép rãnh 10 – 15 cm.

+ Vùng đất bằng phẳng, không chủ động tưới nước có thể lên luống (băng) rộng 2 – 3 m. Khoảng cách giữa các hàng cách nhau 25 cm.

+ Đất đồi gò: Lên luống, rạch hàng theo đường đồng mức, kích thước luống tùy thuộc độ dốc sao cho hợp lý.

  1. Lượng giống cho 1 ha:

220 – 240 kg/ha đối với giống vụ Xuân và 190 – 210 kg/ha đối với giống vụ Thu Đông.

  1. Mật độ:

Mật độ trung bình từ 26-28 cây/m2, gieo 1-2 hạt/hốc. Khi gieo hạt phải đủ ẩm, hạt được phủ sâu 3 – 5 cm.

  1. Phân bón:

– Lượng bón cho 1 ha:

Phân chuồng 8 – 10 tấn (phân vi sinh tương ứng) + vôi bột 400 – 500 kg + Đạm ure 70 – 90 kg + Lân supe 500 – 550 kg + Kali clorua 100 – 130 kg.

Lưu ý: Liều lượng phân bón có thể điều chỉnh cho phù hợp với đồng đất của địa phương.

– Cách bón:

  • Đối với phương thức trồng thông thường (không che phủ nilon):

Bón lót toàn bộ phân chuồng (phân vi sinh) + Lân supe + 1/2 lượng vôi + 1/2 lượng Đạm ure + 1/2 lượng Kali clorua. Toàn bộ phân hoá học được trộn đều và bón vào hàng đã rạch sẵn, sau đó bón phân chuồng (phân vi sinh), lấp một lớp đất nhẹ phủ kín phân rồi mới gieo hạt để tránh hạt tiếp xúc với phân làm giảm sức nảy mầm.

Bón thúc lần 1 khi cây có từ 2 đến 3 lá thật: 1/2 lượng Đạm ure + 1/2 lượng Kali clorua.

Bón thúc lần 2 khi ra hoa rộ: 1/2 lượng vôi.

  • Đối với phương thức trồng có che phủ ni lon:

– Bón lót toàn bộ phân chuồng (phân vi sinh) + Đạm ure + Lân supe + Kali clorua + 1/2 vôi vào hàng đã rạch sẵn, lấp phân để lại độ sâu từ 4 đến 5cm, nếu đất khô phải tưới đủ ẩm mới gieo hạt, sau đó lấp đất phủ kín hạt.

– Bón lượng vôi còn lại lên lá vào thời kỳ ra hoa rộ.

  1. Chăm sóc

– Trồng dặm: Dặm cây ngay sau khi mất khoảng, dặm càng sớm càng tốt, nên dặm bằng hạt giống đã ủ nứt nanh để hạn chế sự chênh lệch giữa cây dặm và cây gieo trước.

– Xới vun:

  • Đối với phương thức trồng không che phủ nilon:

Xới lần 1 (phá váng): Khi cây có 2 – 3 lá thật (sau mọc 10 – 12 ngày).

Xới cỏ lần 2: Khi cây có 6 – 8 lá thật (trước khi ra hoa). Bón thúc đạm và kali lần 2, sau đó xới sâu 5 – 6 cm vừa có tác dụng vùi phân vừa có tác dụng làm đất tơi xốp. Lưu ý, không vun gốc.

Xới cỏ lần 3 kết hợp vun gốc sau khi hoa rộ 7 – 10 ngày, kết hợp bón vôi.

  • Đối với phương thức trồng có che phủ nilon:

Khi lạc nhú lên khỏi mặt đất (5-7 ngày sau khi gieo hạt), dùng ống chọc lỗ (đường kính khoảng 7-8 cm) để cho cây lạc mọc chòi ra ngoài nilon, không xới vun nhưng chú ý vét và làm sạch cỏ rãnh.

– Tưới, tiêu nước (Áp dụng cho cả che phủ nilon và không):

Giữ ẩm đồng ruộng thường xuyên khoảng 65 – 70% độ ẩm tối đa. Nếu thời tiết khô hạn phải tưới, đặc biệt lưu ý 2 giai đoạn: khi cây ra hoa (cây có 7 – 8 lá) và thời kỳ làm quả, hạt (sau hoa rộ 30 ngày). Tưới phun hoặc tưới ngập 2/3 rãnh, để nước ngấm đều sau đó tháo cạn.

Trong vụ Thu Đông đầu vụ mưa nhiều cần chú ý tiêu nước tránh ngập úng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây lạc.

 

  1. Phòng trừ sâu, bệnh hại chính

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời.

Sâu xám, sâu xanh da láng, sâu khoang (sâu ăn tạp): Foton 5.0ME, Oman 2EC, Sunset 300WG, …

Bệnh hại lá (bệnh đốm nâu, đốm đen, bệnh gỉ sắt, …): Athuoctop 480SC, Haohao 600WG, …

Bệnh héo xanh vi khuẩn: Ychatot 900SP, Marthian 90SP, Kufic 80SL, …

  1. Thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch: đúng độ chín, khi quả già đạt 80 – 85% tổng số quả/cây là tốt nhất. Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Sau khi nhổ, lạc cần được tách quả và phơi ngay để giảm tỷ lệ bệnh hại quả đặc biệt là bệnh mốc vàng. Trong trường hợp chưa tách quả được ngay thì chặt thân, để lại gốc dài khoảng 20 – 25 cm, phơi cả gốc.

Lưu ý:

– Giống có tính ngủ nghỉ ngắn nên cần thu hoạch đúng thời điểm khuyến cáo.

Không phơi lạc trực tiếp dưới ánh sáng mạnh và nhiệt độ cao, phơi trên nong nia, cót, sân đất (không phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng).

Bảo quản: Sau khi phơi khô để nguội sau đó cho vào bao ni long hoặc chum vại đậy kín bảo quản trong điều kiện thoáng mát, cao ráo. Thường xuyên kiểm tra sản phẩm (định kì 1 – 2 tháng) để kịp thời phát hiện sâu mọt, nấm mốc.