Bệnh thối thân cây lúa là do nhiễm khuẩn

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân gây bệnh thối thân cây lúa tại một số địa phương trong tỉnh. Kết quả giám định hàng chục mẫu lúa tại Viện BVTV cho thấy, bệnh thối thân cây lúa là do vi khuẩn.

Chi cục BVTV đang thực hiện đề tài nghiên cứu nguyên nhân gây ra bệnh thối thân cây lúa và các biện pháp phòng trừ. Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu, thực hiện từ tháng 6.2013 – 7.2015, Chi cục BVTV tổ chức thu thập mẫu đất và mẫu cây lúa, ở cả 3 vụ trong năm tại vùng thường xuyên xảy ra bệnh thối thân tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước. Kết quả giám định hàng chục mẫu lúa tại Viện BVTV cho thấy, bệnh thối thân cây lúa là do vi khuẩn Erwinia carotovora.

Cán bộ của Chi cục BTVT đang kiểm tra tình trạng bệnh thối thân trên cây lúa. Ảnh: H.L

Bệnh thối thân cây lúa do vi khuẩn thường làm nghẽn mạch, gây héo, sau đó là chết vàng từng chồi lúa. Bệnh lan truyền rất nhanh, nhẹ thì lúa chết từng chòm, nặng có thể chết cả ruộng lúa. Không những do vi khuẩn gây bệnh thối thân, còn do một số giống lúa bị nhiễm bệnh này. Bệnh thường phát sinh gây hại nặng ở các giống đã bị nhiễm như: ĐV108, ML48, VĐ8. Chân ruộng bị phèn, ngập nước, chăm sóc kém thường bị bệnh nặng hơn.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, Chi cục đã đưa ra một số biện pháp phòng trừ: Bón lót vôi xử lý đất và dùng thuốc hóa học. Thực tế cho thấy ruộng bón vôi tỉ lệ bệnh giảm hơn ruộng không bón vôi. Vụ Hè Thu 2014, Chi cục BVTV tổ chức thí nghiệm dùng thuốc hóa học để trừ bệnh thối thân cây lúa. Qua 8 công thức dùng 8 loại thuốc khác nhau, sau khi phun thuốc thì bệnh thối thân đều không phát triển, hoặc phát triển rất chậm so với ruộng đối chứng.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV, cho biết: Dùng vôi bột bón lót, dùng thuốc hóa học đã hạn chế phát sinh bệnh thối thân cây lúa. Hiện thị trường không có loại thuốc chuẩn nào đặc trị bệnh thối thân cây lúa do nhiễm khuẩn, vì vậy, qua thực tế đã và đang thí nghiệm ở đồng ruộng Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Chi cục sẽ xác định hiệu quả của từng loại thuốc, thời gian phun phù hợp và công thức dùng thuốc có hiệu quả nhất. Thuốc không độc hại cho người, môi trường và không tồn dư trong sản phẩm.

Chi cục BVTV sẽ đánh giá tổng hợp hiệu quả các công thức phun thuốc, xây dựng quy trình kỹ thuật sử dụng, quy luật phát sinh bệnh và cách phòng trừ hiệu quả nhất, sau đó sẽ chuyển giao cho nông dân.

HOÀNG LÂN

Trích nguồn: http://www.baobinhdinh.vn